Thứ Tư, 18 tháng 10, 2017

THƠ BẠN THƠ, 7 THƠ NGƯỜI THƠ ĐƯƠNG THỜI / Thơ Nguyễn Duy Tâm


THƠ BẠN THƠ
THƠ NGƯỜI THƠ ĐƯƠNG THỜI 
/40 tác giả xếp theo ABC/
/1. Phan Bá Ất/ 2. Nguyễn Bàng/ 3. Tuyết Băng/ 4. Nguyễn An Bình/ 5. Bảo Bình/ 6. Triều Châu/ 7. Đồng Thị Chúc/ 8. Trần Văn Cường/ 9. Thanh Duy/ 10. Nguyễn Ngọc Đặng/ 11. Dương Xuân Định/ 12. Lê Đức Đồng/ 13. Nguyễn Thị Thu Hà/ 14. Lưu Trọng Hải/ 15. Nhật Hồng/ 16. Trần Thị Ngọc Hồng/ 17. Trần Ngọc Hường/ 18. Vũ Thạch Long/ 19. Nguyễn Đăng Luận/ 20. Lê Mai/ 21. Trần Nhã My/ 22. Vũ Hoàng Nam/ 23. Khổng Vĩnh Nguyên/ 24. Thy Nguyên/ 25. Minh Nguyệt/ 26. Nguyễn Hữu Nhân/ 27. Phan Lạc Nhân/ 28. Trương Kỉnh Nhơn/ 29. Vũ Thụy Nhung/ 30. Dương Thành Phát/ 31. Mai Phong/ 32. Nguyễn Hữu Phú/ 33. Thạch Sene/ 34. Bùi Thị Sơn/ 35. Nguyễn Văn Tài/ 36. Trần Minh Tạo/ 37. Hoàng Anh Tâm/ 38. Trần Tâm/ 39. Nguyễn Duy Tẩm/ 40. Nghiêm Quốc Thanh/ 41. Hoài Huyền Thanh/ 42. Nguyễn Anh Thuấn/ 43. Trần Văn Thuyên/ 44. Nguyễn Ngọc Thúy/ 45. Ngọc Tình/ 46. Nguyễn Thanh Toàn/ 47. Quách Thanh Toàn/ 48. Lê Nhật Triết/ 49. Trần Trung/ 50. Trần Thanh Tuấn/ 51. Vũ Tuấn/ 52. Nguyễn Thanh Tuyền/ 53. Nguyễn Tuyển/ 54. Nguyễn Ngọc Tuyết/ 55. Đàm Chu Văn/ 56. Huỳnh Thị Ngọc Yến.




39. Thơ NGUYỄN DUY TẨM

BƯỚC THẦM

Mây về gởi núi giọt thương
Gởi rừng giọt nhớ gởi nương giọt chờ
Em về gởi nón vào thơ
Gởi áo vào gió gởi mơ vào lòng
Ta về tắm lại dòng sông
Nhịp chèo lẻ bạn mà trông câu hò
Vầng trăng nặng nợ chuyến đò
Rưng rưng nước mắt lắng bờ sao rơi
Bên tê một chiếc nón cời
Chia bao mưa nắng cho vơi chiều gầy
Chiều gầy chở chuyến đò đầy
Hoàng hôn trĩu gánh chở ngày vào đêm
Sông xa núi biếc buông rèm
Tóc tơ ngày cũ ủ mềm vai xưa
Câu thơ viết mấy cho vừa
Nhớ thương thương nhớ đôi bờ sóng đôi
Sương khuya iu ấp lưng đồi
Cỏ non lặng lẽ riêng tôi bước thầm


GUỐC KHUA


Một thời rộn tiếng guốc khua
Tình tôi chợt nắng chợt mưa Sài Gòn
Nâng niu từng bước chân son
Bâng khuâng gõ nhịp theo con tim mình
Lời chim uống cạn bình minh
Trong veo sương sớm mong manh nắng chiều
Guốc khua nào phải chim kêu
Cớ chi lẽo đẽo theo chiều áo bay
Mót thời gian nhặt bóng ngày
Chỉ chạm tà áo vờn say mây trời
Hàng me không nói nửa lời
Chỉ mưa lá nhỏ rối bời lòng nhau
Con đường kẻ trước người sau
Mơ quai guốc đứt em cầu cứu ta
Búa kèm trong chiếc cặp da
Sinh viên kỹ thuật hào hoa lúc này…
Tiếc rằng chỉ thoáng mưa mây
Chưa đủ ướt áo mần sao ướt lòng
Sài Gòn cõng nắng qua sông
Cõng mưa qua gió phập phồng guốc khua
Guốc khua nghẹn buổi giao mùa
Con đường ngày cũ còn thừa nhịp tim.


TƯƠNG TƯ CHIỀU HÀ NỘI


Trăm lần hẹn chưa một lần tìm gặp
Sợ bước chân lạc lõng cố đô xưa
Hà Nội trong tôi thương mấy cho vừa
Bóng Hoàng Diệu sông Hồng còn lưu dấu?

Tuẩn tiết theo thành hồn người muôn thuở
Hà Nội ơi sao chẳng miếu tôn thờ
Đâu bóng Phi Khanh dặn dò Nguyễn Trãi
Lối pháp trường ngẩng mặt một vần thơ

Ba mươi sáu phố phường còn nếp áo tứ thân?
Tôi quyết vay em chiếc khăn mỏ quạ
Hồ Gươm xưa còn hiện bóng rùa thần
Hồn Thăng Long hẳn xanh từng chiếc lá

Vầng trăng thu còn ướp mùi hương cốm
Hạt sương về ngái ngủ búp sen non
Lý cây đa vẽ gót nắng dỗi hờn
Tôi cứ sợ trái tim mình rơi theo lối mềm Quan Họ

Và tình tôi hẳn lòng em đã rõ
Tương tư chiều qua ngõ một làn hương.


MƯỜI SÁU


Mười sáu dây tơ cung thương cung nhớ
Mười sáu trăng tròn đêm nhớ đêm thương
Mười sáu mùa xuân bến chờ bến đợi
Mười sáu cung phi tấu khúc nghê thường

Ai níu tay ai – nhịp cầu mười sáu
Để bóng trăng tròn dẫu nước lặng trôi
Ánh mắt chao nghiêng bờ vai tóc xõa
Cố giấu thầm một ngấn sao rơi

Bến nước mười ba tuổi tôi mười sáu
Bến đợi bến chờ bến đục bến trong
Trăng em vừa tròn trăng tôi đã khuyết
Trót dại một lần mấy kiếp thương mong

Mười sáu dây tơ cung đàn thập lục
Mười sáu xuân thì tóc quyện hương trăng
Mười sáu - ông tơ xe duyên chưa thắm
Mười sáu – lá trầu cánh phượng vụng têm

Hoa cau rụng chọn đêm mười sáu
Những giọt trăng vàng ấp ủ làn hương
Ai chải tóc và ai thèm vuốt tóc
Khúc huyền cầm nhặt ánh trăng suông.

Thơ Nguyễn Duy Tẩm/ Trúc Linh Lan đọc chọn


/ Mời đọc tiếp, thơ Nghiêm Quốc Thanh/
THƠ BẠN THƠ 7
THƠ NGƯỜI THƠ ĐƯƠNG THỜI


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét