Thứ Hai, 27 tháng 11, 2017

TÌNH YÊU CÓ CÁNH - TIỂU THUYẾT / NGUYỄN NGUYÊN BẢY/ CHƯƠNG HAI/ 2.1


Tranh Lê Công Thành


Sách tìm thấy ở Thư Viện Mỹ
WASON PL 4389 .24 N578 D3

CORNELL UNIVERSITY

LIBRARIES

ITHACA, N.Y.14853

John M. Echols

Collection on Soucheast Asia

JOHN M OLIN LIBRARY


TÌNH YÊU CÓ CÁNH - TIỂU THUYẾT

Nhà xuất bản Tổng hợp Tp HCM - 1987


NGUYỄN NGUYÊN BẢY

CHƯƠNG HAI/ 2.1


Nếu không có bức tường nhà bên cạnh thì căn nhà này đã đổ từ lâu rồi, trông nó như bà lão, lưng còng xuống, hai tay run run chống chiếc gậy trúc, xiêu xiêu từng bước, chỉ cần cơn gió nhẹ thổi thốc vào ngực cũng đủ ngã. Vách gỗ lủng tứ bề. Những thanh xà gỗ đỡ dàn mái ngói đã oằn xuống. Mèo chạy trên mái đạp ngói vỡ nứt và xiên xẹo. Ban ngày nắng thi nhau chạy túa vào trong nhà nô rỡn. Ban đêm trăng sao rủ nhau tập họp trên mái múa hát.
Là một kiến trúc sư đã ra trường từ năm 1970, đã đi nhiều công trường, đã vẽ nhiều kiểu nhà, đã xây cất nhiều biệt thự, Châu hơi chếnh choáng khi bước vào căn nhà này. Đây là nhà má Hai Chợ Cá, có con liệt sĩ, vì thế Ủy ban phường quyết định sửa sang lại căn nhà cho má và Châu được Tổ hợp xây cất Thọ Lộc cử tới đây.
Má Hai bưng bộ ấm chén rất sạch, đặt trên chiếc phản gõ và mời khách ngồi uống nước. Châu ngồi rất nhẹ xuống phản, bởi mắt anh liếc thấy, một chân phản đã gãy, được kê lên những viên gạch cụ.
Thưa bà má, những tấm vách gỗ này sẽ được thay bằng gạch. Cái mái ngói sắp sập kia sẽ dỡ ra,lợp lại. Chỗ hai má con mình đang ngồi đây sẽ là phòng khách, rồi tới phòng ngủ, trong sẽ là nhà bếp. Con hứa sẽ làm cho má một cái bếp thật xinh xắn để má có thể ăn cơm ngay ở trong đó.
Má Hai đưa mắt nhìn căn nhà. Tội nghiệp, tại sao nó tồi tàn đến mức này không biết. Nêu 1kho6ng phải là cái tuổi đã ngoài sáu mươi thì nhất định má đã tự mình chữa chạy cho nó. Khốn khổ, mình già quá mất rồi mà người thân thích cũng chẳng còn ai. Nhưng má cố không để lộ tâm sự cơ cực ấy, miệng má vẫn chóp chép miếng trầu. Tay má quệt nước trầu tứa ra hai bên mép, rồi má chùi tay vào chiếc khăn mặt ẩm vắt nơi vai.
- Chạy chữa như vậy thì nhiều công sức quá phải không con?
- Thưa bà má, bây giờ giải phóng rồi, những người có công với cách mạng như má phải được bù đắp.
Bà má cười,rưng rưng nước mắt:
- Chính quyền cách mạng lo cho gia đình má như thế này, má chẳng biết lấy gì trả ơn. Thằng Tư con má được thấy sự này cũng mát mẻ.
- Má ở đây lâu chưa?
- Lâu rồi. – Trong giây lát, má thấy hiện ra tất cả những gì của quá khứ, mà trước đây má giấu kín trong lòng, có thổ lộ cũng chỉ thổ lộ với đêm tối, nhưng bây giờ má không còn phải dồn nén những đau đớn ấy trong lòng, má có quyền thổ lộ tâm sự ấy với những ai má tin là thông cảm với cảnh ngộ má. Má nhìn Châu và thấy tin cậy được ở người thanh niên này, - Má đứa thằng Tư lên đây sau hồi tố cộng năm sáu. Ba nó bị bắn chết, vì tội tham gia kháng chiến mà không chịu ly khai. Hồi đó, thằng Tư con má mới mười lăm.
- Má chỉ có mình ảnh sao?
- Hai chị nó bị chết bom trong lúc đi chăn trâu.
Châu lặng đi, anh không dám hỏi gì thêm bà má. Những cảnh ngộ đau khổ như thế này anh có biết, nhưng là biết trong sách vở, trong tiểu thuyết. Thì ra sách vở viết chưa hết, chứ không phải ngoa, về những tai họa của chiến tranh. Chồng chết. Các con chết. Bà má chỉ còn lại một mình với căn nhà ọp ẹp như tuổi ngoài sáu mươi của chủ nhân nó.
- Đại thể việc sửa chữa căn nhà con đã trình bày với má, má muốn thêm bớt gì, xin má cứ nói.
Bà má cười:
- Má chẳng mong gì hơn, chỉ mong sao đừng dột và có một căn buồng cho thằng Năm nó lấy vợ.
- Có nghĩa là má còn người con trai tên Năm?
- Nó là bạn chiến đấu của thằng Tư, con má. Sau khi thằng Tư hy sinh, má xem nó như con. Tội nghiệp công việc cách mạng nó ham quá, ba chục tuổi rồi vẫn chưa chịu lấy vợ.
- Ảnh cũng ở đây với má?
- Ừ. Không có nó chắc má cũng chết rồi.
- Hiện thời ảnh làm việc ở đâu, thưa má?
- Nó làm Chủ tịch Phường.
- Phải anh Dũng không má?
- Con cũng quen biết nó?
- Ảnh với con là bạn học. Nhưng rồi mỗi người đi một đường…
Châu nói vậy đế má Hai muốn hiểu thế nào cũng được. Dũng và Châu cùng học kiến trúc, nhưng tình hình khác hẳn nhau. Dũng ham tranh đấu, còn Châu ham học. Có lúc hai người ngồi tranh cãi với nhau. Dũng thì cho rằng, việc học, sớm muộn gì cũng có thể thực hiện được, nhưng việc tranh đấu cho một đất nước thanh bình thì không phải lúc nào cũng có thời cơ. Hơn nữa, đất nước chưa thanh bình, việc học phỏng ích gì. Châu nghĩ ngược lại: Tranh đấu là công việc ai cũng có thể làm, và làm bằng nhiều cách, việc học cho giỏi để sẵn sàng thực hiện sức mạnh hậu chiến cần thiết hơn, bởi chất xám không phải ai cũng có… Mỗi người theo một đường là vậy. Họ không ghét bỏ nhau, hằn thù nhau.
Châu có biết việc Dũng là Chủ tịch Phường, nhưng việc Dũng là con nuôi má Hai thì Châu không biết.
Việc sửa căn nhà này, thực ra không phải là quyết định của Phường. Chủ thầu khoán xây cất Lộc Thọ muốn làm ơn với cách mạng để bắt đầu công việc hợp tác của mình, bằng việc đề xuất sửa chữa nhà cho các gia đình có công với cách mạng. Căn nhà được sửa chữa đầu tiên là nhà má Hai. Bây giờ thì Châu đã rõ hơn cái lý vì sao nhà má Hai được sửa đầu tiên. Ông Lộc Thọ muốn lấy lòng Chủ tịch Phường.
Chiếc xe đạp của Dũng thắng gấp, kêu rít lên. Má Hai nhìn ra cửa.
- Nó về tới đó. Ủa, mà sao hôm nay nó về sớm vậy cà?
Dũng bước vào nhà, gương mặt nặng trĩu, mệt mỏi.
- Thưa má.
Châu đứng dậy, đã nhận ra dáng vẻ quen thuộc của người bạn, tuy Dũng có già và khắc khổ hơn nhiều.
- Dũng, không nhận ra mình sao?
Dũng nheo mắt, một thoáng:
- Châu, sao biết mình ở đây?
- Mình tới để thiết kế sửa chữa nhà cho má.
- Mình cứ tưởng cậu đi rồi.
- Sao lại đi. Những ngày cùng học với nhau, cả hai đứa mình đều mang bầu tâm sự được đem tài năng ra tái thiết đất nước sau chiến tranh. Chỉ khác nhau ở chỗ cậu xuống đường còn mình thì vùi đầu vào sách vở. Sao, bây giờ làm lớn quá rồi còn gì.
Dũng cười chua chát:
- Lớn gì đâu, làm ngoài Phường… - Dũng lảng chuyện – Gặp lại cậu mình mừng lắm.
Má Hai từ nãy giờ vẫn đứng ngây nhìn con và bạn. Chờ cho phút sôi nổi của chúng lắng xuống, má mới mạnh dạn xen vào.
- Hai đứa bây ăn cơm tái ngộ với nhau nghe – Thấy Châu ngần ngừ từ chối, má Hai vừa quệt nước trầu nơi mép vừa giảng giải – Đứa nào đã là bạn với thằng Năm thì cũng là con má. Đã là con thì không được khách sáo. Nhà má nghèo tiền, nghèo bạc chớ không nghèo tình nghĩa…
Má nói xong, không đợi Châu và Dũng trả lời, quay vào trong bếp.
- Cậu đã nói cho má mình hay về việc sửa chữa căn nhà này chưa?
- Rồi, ông Lộc Thọ nói mình làm gấp.
- Cậu cộng tác với ổng?
- Mình lo việc thiết kế.
- Tiếc quá, phải chi má mình chưa biết chuyện này.
- Sao vậy?
- Hôm trước mình có mời ông Lộc Thọ ra Ủy ban trả lời cho ổng hay về việc Quận chấp nhận đơn xin hành nghề của ổng. Tiện thể, mình có nhờ ổng tính toán dùm coi sửa chữa căn nhà này tốn kém bao nhiêu tiền. Tội nghiệp, mình cứ hứa hoài mà chưa sửa được căn nhà cho má.
- Thì bây giờ mình sửa.
- Không được nữa rồi. – Dũng nói nhỏ lại, buồn bà. – Mình không còn làm Chủ tịch Phường…
- Cậu nói sao?
- Chuyện dài lắm, để khi khác có thời gian mình kể cậu nghe, - Dũng cố nến tâm sự của mình, - Trên cương vị Chủ tịch Phường, mình tính vận động bà con trong phường với tinh thần nhường cơm xẻ áo, để sửa chữa một số căn nhà đã hư hỏng nghiêm trọng của đồng bào nghèo, trong đó có các gia đình chính sách, như gia đình má Hai đây… Nhưng bây giờ không thể. Còn bản thân mình, mình không có tiền…
Châu vẫn ngơ ngác vì cái tin Dũng vừa nói ra. Vì sao cậy ấy lại không được làm Chủ tịch Phường? Chẳng lẽ lại như vậy? Châu gật gù với suy nghĩ của mình. Một lúc lâu sau đó, anh mới bật ra lời:
- Lúc cần người tuần hành, đốt xe Mỹ thì cậu sáng giá, còn bây giờ ngồi trên ghế để tọa hưởng thành quả thì…
- Bậy. Mình đi theo cách mạng không phải mong được làm Chủ tịch Phường.
- Cậu không mong đi theo cách mạng để làm ông này, ông nọ. Nhưng cuộc đời phải công bằng. – Châu lại gật gù, - Hàng loạt những cuộc thanh trừng, những nghi vấn đặt ra với tất cả mọi người, nhất là những người như cậu, khi thì biểu tình với sinh viên, khi thì mặc quần áo lính, khi thì ngồi tù…
- Cậu cũng biết về mình rõ như vậy sao?
- Cũng như cậu biết rất rõ về mình, vì sao mình nhất định không tham gia bên này hoặc bên kia, mà vùi đầu vào sách vở. Chế độ nào cũng cần trí thức. Và chắc chắn là chất xám của mình có ích lợi cho mọi người. – Như thông cảm với hoàn cảnh éo le của Dũng, Châu hỏi bạn chân tình, - Không làm Chủ tịch, cậu tính làm gì?
- Mình được điều ra nông trường Thanh niên mới.
- Cậu sẽ đi chứ?
Dũng gật đầu.
- Xin cho mình được khuyên cậu một lời. Cậu tham gia chính trị như vậy đủ rồi. Bây giờ là lúc cậu cần phải nghĩ tới bản thân. Cậu nên quay về nghề kiến trúc, vẫn còn kịp cho cậu đấy.
Giữa lúc đó, bóng ông Lộc Thọ thập thò ngoài cửa. Ông béo quay, cái cổ ngắn củn khiến cho khuôn mặt như cái mầm vừa nhô lên khỏi vai. Ông vừa vẫy tay vừa gọi Châu rất khẽ, vẻ đầy bí mật.
Châu xin lỗi Dũng, chạy ra.
- Có chuyện gì vậy bác Thọ?
Ông Lộc Thọ kéo Châu ra xa một chút, rồi ghé cái miệng xin xít hàm răng vào gần tai Châu:
- Sao cậu ngồi lâu dữ vậy? Về thôi, nếu không liên quan lớn lắm.
- Tôi đang bàn chuyện sửa chữa căn nhà.
- Thôi, bỏ đi. Tôi quý cậu lắm tôi mới chạy qua đây gọi cậu. Bây giờ người ta có trả vàng mình cũng không sửa căn nhà này nữa đâu.
- Sao vậy? 
Hết làm Chủ tịch rồi, nghe đâu CIA cài lại…
- CIA là sao? Anh ấy là bạn tôi mà?
- Bạn cậu? – Ông Lộc Thọ ngước cặp mắt vì mập quá mà trở thành ti hí, húp híp, - Là bạn cậu thì tôi xin chào cậu. Tôi xin không quen biết với cậu. – Như cảm thấy mình lỡ lời, ông thẽ thọt, - CIA thiệt đấy, không được làm Chủ tịch nữa rồi, phải đi nông trường cải tạo.
Vừa nói xong, ông Lộc Thọ quay ngoắt người bước rất nhanh, đôi chân hơi nhỏ so với cái bụng, vì thế người ông cứ ẹo qua ẹo lại như vịt.
Châu quay vào nhà, anh định nói câu gì đó với bạn, nhưng anh cảm như bạn đã nghe tất cả câu chuyện ông Lộc Thọ vừa nói với anh, anh bối rối, uống ly nước. Từ nãy tới giờ anh không cảm thấy khát nước, nhưng bây giờ cổ khô đặc.
Dũng vẫn ngồi im lặng nhìn anh. Nhưng anh hiểu là bạn không nhìn mình, không quan tâm tới câu chuyện mới rồi, mà đang bị cuốn hút bởi chuyện gì đó, xa lắm và rắc rối lắm. Anh đứng dậy:
- Tới giờ mình phải về. Cậu có cần mình giúp gì không? – Câu hỏi của Châu kèm theo ánh mắt nhìn ái ngại.
Khốn nạn. Dũng không hiểu mình định nói người bạn học mới gặp lại này hay là nói với cuộc đời. Một kẻ chỉ biết lấy sách vở làm cứu cánh suốt cuộc chiến dữ dội của dân tộc bây giờ lại có khả năng nâng đỡ tinh thần cho một người vừa góp phần làm nên chiến thắng. Không, nhưng anh ta không đáng trách, anh ta hốt hoảng trước cảnh ngộ của mình cũng phải. Đó là quy luật cuộc đời, chẳng nên cố chấp.
Châu không chờ Dũng trả lời, anh bước thêm hai bước về phái bếp, nói vói vào trong:
- Con xin phép má, con về.
Châu bước rất vội ra cửa.
Má Hai từ trong bếp chạy ra thì Châu đã ra khuất.
- Nó không ở lại ăn cơm sao con?
Dũng lắc đầu.
- Hôm nay con sao vậy, Năm? Công việc cũng phải có chừng có mực thôi, hai mắt thiếu ngủ thâm quầng lên đó, vô giường chợp mắt chút đi, khi nào cơm chín má kêu.
Dũng muốn ôm chầm lấy má, muốn khóc cho đã. Nhưng Dũng lại nén lòng, anh bước chầm chậm lại chiếc giường sắt kê gần bếp, nằm vật xuống. Và tự nhiên hai dòng nước mắt ứa ra, nóng hôi hổi lăn xuống má.

/ Mời đọc tiếp 2.2/
TÌNH YÊU CÓ CÁNH - TIỂU THUYẾT
NGUYỄN NGUYÊN BẢY


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét