CON CHIM LẠI HÓT. RAN
RAN MỘT ÂM ĐIỆU NGỌT NGÀO. MÀ PHẢI HÓT LÊN MỚI THẤY HẾT CÁI PHONG PHÚ, CÁI HUYỀN
DIỆU CỦA NGÔN NGỮ VIỆT NAM, CHỈ VỚI HAI DẤU SẮC, HUYỀN, CÓ THỂ HÓT TẤT CẢ MỌI
GIAI ĐIỆU TÂM HỒN, BẤT KỂ HÀI, BI.
Đành rằng, mấy đêm nay,
tâm hồn chàng mất ngủ. Lương tâm chàng dằn vặt. Chàng nhớ, ngày mới tốt nghiệp
đại học văn khoa, được phân về một tòa soạn báo, ba chàng mừng muốn phát điên,
ông hát suốt ngày, ông hết thầm thì với má chàng, lại thì thầm với xấp nhỏ em
chàng, rằng: Đời chàng như vậy sẽ lên hương, bởi thời buổi này mà làm báo trúng
phải biết. Theo ý ông, trong chế độ xã hội chủ nghĩa, nhà báo là giới được nhà
nước trọng vọng hơn cả, bởi nhà báo là những phát ngôn viên ưu ái nhất của nhà
nước. Rồi đây, ông sẽ tha hồ rượu mà uống, tha hồ thuốc mà hút, tha hồ vải mà
may quần áo, ai cũng sẽ phải nhờ cậy, o bế đứa con trai tài năng xuất chúng của
ông. Chàng vui lây cái vui của ba chàng. Duy chỉ có giáo sư Hoàng, người thầy
đáng kính của chàng là băn khoăn cho cái sự nghiệp mà chàng sắp theo. Theo ý
giáo sư, chàng nên đi dậy học, hoặc làm công việc nghiên cứu trong một viện nào
đó, chẳng nên làm báo, bởi, nhà báo thời nào, theo thầy, nó lươn lẹo sao ấy, chẳng
vậy mà người đời kêu bằng “nhà báo nói láo”. Chàng không bận tâm tới nỗi băn
khoăn của giáo sư, vì thầy chưa hiểu hết sự trong sáng của tâm hồn chàng, nhất
định chàng sẽ là một nhà báo trung thực, một ngòi bút đáng tin cậy của đồng
bào. Con sẽ trung thành với lý tưởng ấy, suốt đời, thưa thầy. Lúc đó, chàng đã
hứa với giáo sư như vậy. Chàng đã giữ được lời hứa ấy nhiều năm nay…
Thôi, khỏi cần nghĩ ngợi.
Mệt lắm.
Chim lại hót. Chỉ ít
phút nữa thôi, chàng sẽ lại ra mắt ông bố vợ tương lai, mà lần này chàng chắc
chắn mình sẽ cầm phần thắng.
Biết bao nhiêu nhà báo
vào nghề trước chàng vài chục năm, mà giờ đây còn phải lượn ngòi bút. Không lượn
ngòi bút có mà nhai giấy. Chàng chợt thấy hiện lên nụ cười của ba chàng. Nụ cười
hoàn toàn trái ngược với tiếng quát và và gương mặt đầy lửa của ông già, hôm
chàng viết bài “Luận về thơ” đăng trên báo Văn. Thế này là thế nào, thằng ngu
xuẩn, thằng súc sinh. Mày có hiểu mày viết thế này là thế nào không, không chỉ
tên của mày bị ghi vào sổ đen, mà tên của cha mẹ mày cũng bị ghi vào đó. Nồi
cơm của gia đình này có thể vì những dòng chữ khốn nạn ngu xuẩn của mày mà sẽ
chỉ còn cát, con ơi. Chàng muốn cãi lại ông già. Có gì mà cha phải ồn ào dữ vậy,
con chỉ muốn nói một sự thật. Sự thật cái thằng bố mày. Hiện thực xã hội chủ
nghĩa là thế nào? Chẳng lẽ các thầy giáo không dạy mày lý thuyết sơ đẳng ấy?
Trong chủ nghĩa xã hội không có sự khốn khổ, không có sự bần cùng, chỉ có sự
sung sướng và hạnh phúc hiểu chưa. Nhưng rõ ràng là chúng ta đang khổ cực. Rõ
ràng con mẹ mày. Có khổ cực cũng viết thành sung sướng, viết thành hạnh phúc, để
con người tin vào tương lai mà đi tới, đó là hiện thực xã hội chủ nghĩa. Chàng
không dè, ông già thấm cái gọi là hiện thực xã hội chủ nghĩa đến thế. Song
chàng vẫn nói lý. Nhưng con có bôi đen cuộc sống đâu, hơn nữa, đây lại là những
lời nhận định về thơ. Thơ là thơ, thơ không phải là địa vị xã hội của người làm
thơ. Trong bài viết của chàng chỉ có mười lăm chữ đó là gợn. Ba chàng phẫn nộ rủa
xả chàng ngu vì đã viết mười lăm chữ đó. Người ta sẽ từ mười lăm chữ đó mà luận
rằng, mày đã công kích tài năng của nhửng người đang có chức, có quyền mà lại
sính làm thơ, sính được người đời ca tụng mình là thiên tài. Họ sẽ bảo mày là
“Nhân văn giai phẩm”. Thơ là thơ tức là nghệ thuật vị nghệ thuật. Thơ không phải
là địa vị của người làm thơ có nghĩa là phủ nhận tính Đảng, tính giai cấp trong
văn nghệ. Trời ơi, con tôi. Chàng ngậm miệng chịu là ông già luận đúng. Chàng
chạy qua nhà giáo sư Hoàng, thuật lại cho giáo sư nghe. Giáo sư chỉ thở dài.
Xin thầy cho con biết, tại sao thầy lại thở dài? Con đã nói đúng một sự thật, một
khoa học, chỉ có điều con nói sớm quá. Như vậy là sao, thưa thầy? Con cứ sống nữa
đi, rồi khắc hiểu hết.
Ông già đã đúng và cả
thầy giáo cũng đã đúng. Ít ngày sau khi bài báo ra đời, Tổng biên tập đã gọi
chàng lên, nẹt cho một trận vì tội mất lập trường, hoang mang giao động, tiếp
tay cho các thế lực nhân văn giai phẩm. Vì điều đó chàng có nguy cơ bị đưa ra hội
đồng kỷ luật. Chưa hết. Một nhà “đại học giả” đã lên tiếng. Đáp lại mười lăm chữ
của chàng, học giả đã viết bài một vạn chữ. Người ta đã nâng những điều ông già
chàng nói thành lý luận và chụp lên đầu chàng một tỷ cái mũ, chàng bỗng trở
thành một thứ “phản động” cần phải giám sát. Than ôi, một bài báo nhớ đời…
Con chim lại hót.
Từ sau bài báo đó,
chàng đã khôn hơn nhiều lắm. Nhưng chàng vẫn nguyền với lòng mình, phải giữ cho
được khí tiết của người cầm bút. Thực trạng sản xuất của xí nghiệp dệt Con Cua,
cứ theo cách nhìn, cách nghĩ của chàng, thì đó là sự sản xuất đáng phê phán nhất,
một sự trì trệ của cơ chế, một sự lãn công hợp pháp, một sự phá hoại sản xuất
ngầm, một sự ăn dần vào tài sản nhà nước và một sự dối trá bao trùm từ trên xuống
dưới bằng những báo cáo láo. Nói tóm lại, đây là một xí nghiệp cần phanh phui
lên báo. Nhưng liệu sự phanh phui này chàng sẽ được gì? Những lời chửi mắng của
ông già chàng nữa ư? Tội nghiệp, mỗi năm ba chàng thêm một tuổi, sức lực yếu dần,
chỉ khao khát miếng cơm manh áo. Chàng không có quyền làm khổ ông cụ. Hơn nữa,
cái mất lớn nhất sẽ giáng xuống đầu chàng, đó là mất nàng Hạnh Phúc xinh đẹp.
Chàng yêu nàng và cũng tới lúc chàng phải lấy vợ, đậm đà tuổi rồi, trẻ trung gì
nữa…
Con chim hót ríu ran.
Một cuộc sống gia đình
đầm ấm và hạnh phúc. Cả chàng và nàng đều là nhà báo, những câu chuyện chữ
nghĩa sẽ kéo dài vô tận cho tới ngày cùng nhắm mắt xuôi tay. Trong cuộc sống
lên hương đó, ông bố vợ sẽ tiếp thêm gió cho hạnh phúc của chàng và nàng bay.
Hôm rồi, chàng lóe tin vui đó cho ba chàng biết, ông già hoan hỉ ra mặt, lại
hát và cười suốt ngày. Cả đời ông già là thợ, đâu ngờ có được diễm phúc sui gia
với một giám đốc. Hoan hô con trai của ba. Con thật xứng đáng là con trai của
ba, niềm hy vọng của ba, nhìn thấy con sung sướng, hạnh phúc, ba có nhắm mắt
cũng mát mẻ nơi suối vàng…
Chàng cạo nhẵn những
chiếc râu bụi đời. Chàng cần phải trẻ lại, chỉ có như vậy mới xứng đáng với tuổi
trẻ của nàng, mặc dù, nàng rất thích chàng để râu, có gì đâu, hàm râu của chàng
làm cho những cái hôn nhột nhạt gây ấn tượng. Không sao, rồi đây, chàng sẽ để
râu, để thật rậm và sẽ thỏa mãn nàng những cái hôn không bao giờ chấm dứt.
Nhưng bây giờ, ra mắt ông bố vợ, cần phải trẻ trung. Chàng bận chiếc quần jin
Levis mỏ đỏ, chiếc áo thung Yachica mầu lông chuột. Thầy tử vi bảo chàng mệnh
thủy không nên mặc mầu sáng. Những lúc như lúc này cứ nên tin vào sự linh
thiêng. Quả nhiên quần áo làm chàng phong độ hơn. Hoan hô thời trang. Chàng dơ
nắm tay hô to và cười suýt rạn cả mặt chiếc gương đính bên cánh tủ áo.
Chàng nhảy lên xe máy,
lao trên đường, miệng vẫn hót.
Mặc xác chuyện lương
tâm. Mệt lắm rồi. Xã hội biết bao chuyện nhớp nhúa, chuyện nào cũng bận tâm,
cũng suy nghĩ sẽ phí hoài cả một đời.
Các đồng nghiệp hãy tha
thứ cho tôi, coi như là tôi chẳng biết chuyện gì cả. Xí nghiệp Con Cua hay xí
nghiệp Con Cầy, xí nghiệp nào chẳng vậy, bết bát như nhau, nhảy vào đâu mà bới
chẳng ra chuyện. Xin cứ coi tất cả đều tốt đẹp. Không tốt đẹp sao được, đất nước
mình ngày nào cũng bình minh và hoàng hôn.
Đồng nghiệp tương lai,
vợ yêu quý của anh, xin đừng trách giận, nếu em rơi vào hoàn cảnh anh, em cũng
sẽ phải làm như anh thôi, đúng không? Chàng thấy hiện lên nụ cười như hoa hồng
của nàng. Anh cảm ơn em.
Bài hót của chim với chỉ
một nguyên âm và hai dấu sắc huyền mà làm nên cả giàn đồng ca vang lừng đường
phố. Chàng phóng tới nhà nàng với niềm sung sướng, tự tin. Em ơi, giờ này có
vui như anh?
/Mời đọc tiếp Mười Hai /
Tiểu thuyết cười
MÕ KHÓC/ Nguyễn Nguyên Bảy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét