Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2020

TẢN MẠN VÀI ĐIỀU THÚ VỊ VỀ CHỮ NHÂN


TẢN MẠN VÀI ĐIỀU THÚ VỊ VỀ CHỮ NHÂN


Có rất nhiều cách nói khác nhau về việc chiết tự chữ Nhân (人). Chính bởi vì chữ Nhân này dẫu rất đơn giản, nhưng nó không chỉ là danh từ “con người”, mà còn bao hàm cả cách làm người.

Có một cách nói là trái một nét, phải một nét, âm một nét, dương một nét, thì gọi là “Nhân” (人) (con người). “Nhân ư thiên địa, thành ư tứ thời”. Trời đất là chỉ âm dương, tứ thời là chỉ bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. Con người sinh ra nhờ vào hai khí âm dương của trời đất, vận hành theo phép tắc của bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, có sinh, có trưởng, có hoá, có thu, có tàng. Văn hoá truyền thống Á Đông cho rằng, trời là dương, đất là âm, trời đất hoà hợp thì âm dương cân bằng. Con người đắc được toàn bộ linh khí của trời đất chính là đắc được hai khí âm dương.

Cách nói thứ hai là: hai nét cùng nhau nương tựa, cùng nhau dìu dắt, cùng nhau đồng hành thì là con người. Cũng có cách nói là: chữ “Nhân” giống như hai cái gậy đang đối đầu, để biểu thị rằng giữa người với người chắc chắn sẽ xảy ra mâu thuẫn, xung đột.

Còn có một cách nói khác, chữ Nhân giống như hình người nhìn nghiêng, nghĩa là không dám nhìn thẳng vào cuộc đời. Vậy nhìn thẳng vào cuộc đời là chữ gì? Là chữ “Đại” (大), ý rằng nếu dám nhìn thẳng vào cuộc đời, thì cảnh giới của con người sẽ trở nên vĩ đại, lớn lao hơn.

Chữ Nhân (人) còn xuất hiện với tư cách là một bộ thủ, thường được gọi là bộ “Nhân đứng” (亻). Từ một chữ Nhân có thể thấy được rất nhiều chữ khác, miêu tả những mối quan hệ khác nhau giữa người với người.

Hai người gần gũi thì gọi là “Nhân” (仁 – Nhân ái). Giữa hai người cần sự nhân ái. Một người yêu mến và bảo hộ người khác mới có được đức “Nhân” (仁).

Chữ Nhân (仁) trong “Nhân ái” xuất hiện sớm nhất trong kinh điển của Nho gia “Thượng Thư”, chỉ đạo đức, phẩm chất tốt. Khổng Tử cũng coi chữ “Nhân” này là quy phạm đạo đức tối cao của Nho gia, cũng là học thuyết có tầm ảnh hưởng quan trọng tới lịch sử phát triển của Trung Hoa cổ đại.

Khi dạy dỗ 3.000 môn sinh của mình, Khổng Tử cũng sẽ tùy theo mỗi người mà giáo dục chữ Nhân này một khác. Tỉ như biết tật lớn nhất của trò là không biết quan tâm tới người khác, thì Khổng Tử bèn nói: “Nhân giả ái nhân dã”, tức là con người phải học cách yêu mến và bảo hộ người khác. Với một người không thể xử lý tốt mối quan hệ với người khác, Khổng Tử lại nói rằng: “Nhân giả nhị nhân dã”, ý rằng hy vọng học trò của mình có thể chung sống hoà thuận với người khác.

Trên đây là nói về quan hệ giữa hai người. Còn khi có nhiều người hơn thì gọi là chúng (眾 – quần chúng), chữ này có ba chữ nhân ở phía dưới, ở trên thì có một con mắt. Điều đó có nghĩa là có nhiều người thì cần phải quản lý. Xã hội đông lên thì cần có trật tự.

Phàm là những chữ có bộ “Nhân” thì thường liên quan mật thiết tới nhân tính. Đại đạo tối giản trong cách đối nhân xử thế chính là: Một người thì phải tu dưỡng bản thân, hai người thì cần xử lý tốt mối quan hệ đôi bên, nhiều người thì ai nấy đều cần giữ tròn chức trách bổn phận của mình.

Thiên Cầm biên dịch/ TrithucVn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét