THIÊN TƯỢNG TRIỀU ĐẠI DIỆT VONG:
NHẬT THỰC, ĐỘNG ĐẤT,
LŨ LỤT, ÔN DỊCH, CHÂU CHẤU..
Trong Tư Trị Thông Giám, cuốn chính sử nổi tiếng của Tư Mã Quang có ghi chép
đoạn sử cuối thời Tây Hán như sau.
Thiên tượng Tây Hán
diệt vong là bắt đầu từ thời Hiếu Thành Đế. Hiếu Thành Đế được xem là một vị
hoàng đế hoang dâm. Ngay từ khi Hiếu Thành Đế lên ngôi thì tháng 8 năm ấy xuất
hiện hai mặt trăng trên dưới nối nhau. Không lâu sau xuất hiện thủy tai, đê Kim
của sông Hoàng Hà vỡ. Tư Trị Thông Giám ghi rằng nước “nhấn chìm cả thảy 4 quận
32 huyện, ngập 15 vạn khoảnh ruộng, sâu ba trượng; phủ quan, trạm dịch, nhà dân
vỡ lở cả thảy gần bốn vạn nóc nhà”. Đến năm 26 TCN, cũng thời này, động đất ở
quận Kiền Vi, đê sông Hoàng Hà lại vỡ. Đến năm 17 TCN thì sông Hoàng Hà lại
“nhấn chìm 31 huyện ấp, phủ quan và hơn bốn vạn nhà dân đổ nát”, vậy nhưng Hiếu
Thành Đế không cho lấp chỗ vỡ đê. Ngoài thủy tai thì mưa tuyết và đại hạn thời
kỳ Hiếu Thành Đế cũng xảy ra nhiều.
Nếu duyệt qua ghi chép
trong Tư Trị Thông Giám về Hiếu Thành Đế, nhật thực đặc biệt nhiều. Ngoài ra,
các loại thiên tượng thi nhau mà đến. Năm 22 TCN, tháng 3, 8 viên thiên thạch
rơi ở Đông Quận. Năm 19 TCN, tháng 5, có 3 viên thiên thạch rơi ở huyện Đỗ Bưu…
Tế miếu, các nơi cúng tế thời Hiếu Thành Đế cũng xảy ra nhiều lần hỏa hoạn.
Thậm chí năm 14 TCN thì ở cung Cam Tuyền xảy ra việc gió lốc làm đổ cung bái
vọng bằng trúc, hơn trăm cây cổ thụ to lớn bị gãy đổ bật gốc.
Quan lại thời Hiếu
Thành Đế không ít người dâng thư can gián, đều nói nhiều đến thiên tượng. Chẳng
hạn Thứ sử Lương Châu Cốc Vĩnh dâng thư năm 15 TCN, có đoạn viết: “Trong vòng
sáu tháng, điềm lạ lớn bốn lần phát sinh, hai lần phát ra cùng một tháng. Dẫu
cuối thời Tam đại hay hỗn loạn thời Xuân Thu, cũng chưa từng như vậy. Thần nghe
nói cái lý do mà Tam đại đánh rơi xã tắc, tan mất tông miếu, đều bởi đàn bà và
bọn tiểu nhân tà ác, mê đắm với tửu nhạc; cái lý do nhà Tần truyền có hai đời,
mười sáu năm mà diệt vong, là vì dưỡng sinh quá xa xỉ, tống chung bồi táng quá
hậu vậy. Hai điều ấy, Bệ hạ kiêm gồm đủ…”
Hiếu Thành Đế vì tai
biến phát sinh nhiều, cũng từng hỏi ý quần thần. Trung lũy Hiệu úy Lưu Hướng
can gián năm 12 TCN: “Cẩn trọng xét 242 năm thời Xuân Thu, có 36 lần nhật thực,
nay 3 năm liên tiếp gần đây xuất hiện nhật thực, từ năm Kiến Thủy (tức là khi
Hiếu Thành Đế lên ngôi) đến nay, trong vòng 20 năm mà nhật thực 8 lần, đại khái
là 2 năm 6 tháng một lần xuất hiện, xưa nay ít có…” Hiếu Thành Đế lo lắng triệu
Lưu Hướng vào cung, rồi cuối cùng cũng không dùng Hướng. Năm 10 TCN, Lưu Hướng
lại bàn: “… nơi nhà Hán hưng khởi qua, giờ đây núi lở sông khô, sao chổi lại đi
qua Nhiếp Đề, Đại Giác, từ sao Sâm đến sao Thần, e rằng tất có việc vong quốc
đấy!”
Năm 7 TCN xuất hiện
thiên tượng Huỳnh Hoặc phạm sao Tâm, đây là thiên tượng hoàng đế có nạn lớn.
Thế là Hiếu Thành Đế ép Thừa tướng Trạch Phương Tiến chết thay cho mình. Thừa
tướng buộc phải tự sát. Nhưng sau đó cũng năm này Hiếu Thành Đế không trốn
thoát khỏi thiên tượng, dẫu thân thể cường tráng không bệnh tật, nhưng đang đêm
ngày Bính Tuất, đang muốn khoác áo đứng dậy thì “đột nhiên áo tuột khỏi tay,
miệng không nói được”, rồi băng.
Hiếu Thành Đế dẫu có
nhiều người can gián, cũng để mở cho quần thần dâng thư, nhưng nghe rồi, thậm
chí cảm động rồi, nhưng rốt cuộc đâu lại vào đấy. Hiếu Thành Đế giao hết quyền
hành cho họ Vương, gây ra họa Vương Mãng diệt nhà Tây Hán 15 năm sau khi Hiếu
Thành Đế qua đời. Phần thiên tượng trong 15 năm này cũng rất rõ ràng, chủ yếu
là nhật thực, Tư Trị Thông Giám đều có chép lại. Sau đó Hiếu Thành Đế vì sủng
ái Triệu Phi Yến mà tước triều chính từ họ Vương giao lại cho họ Triệu, nhưng
cái họa Vương Mãng đã bén rễ rồi.
Hiếu Thành Đế hoang
dâm vô độ, dẫn đến hiếm con. Nhưng ông lại vì sủng ái Triệu Phi Yến mà bí mật
tự tay cùng Triệu Phi Yến giết chết con đẻ do người khác sinh ra, thời ấy không
ai phát hiện (chuyện ghi trong Tư Trị Thông Giám, năm Kiến Bình nguyên niên,
sau khi Hiếu Thành Đế mất, Hiếu Ai Đế lên ngôi, mới có quan dâng thư tấu trình
sự việc). Hiếu Thành Đế do đó không có con kế vị, triều chính nhà Hán rối loạn,
cuối cùng Vương Mãng dựa vào mối quan hệ với Thái hậu mà khống chế tất cả, diệt
nhà Tây Hán, lập nên nhà Tân. Có thể nói thiên tượng Tây Hán diệt vong là phi
thường rõ ràng vậy.
Lại nói về nhà Tân.
Khi Vương Mãng bắt đầu có ý chiếm thiên hạ của Tây Hán thì đã bắt đầu có rất
nhiều thiên tượng ứng với Vương Mãng. Năm 1 TCN, Vương Mãng bắt đầu được giao
cho quyền lực lớn nhất. Năm 8 TCN, đầu năm có động đất, cũng năm ấy Vương Mãng
ép thái hậu trao ngôi, giao ra ngọc tỷ. Năm 9 TCN, mùa xuân, Vương Mãng làm lễ
tiếp nhận ngọc tỷ, lên ngôi.
Thiên tượng ứng với
nhà Tân cũng đặc biệt nhiều. Chẳng hạn: Năm 11 SCN, các quận ven Hoàng Hà bắt
đầu xuất hiện nạn châu chấu, cũng năm đó đê Hoàng Hà lại vỡ, ngập mất “mấy quận
từ Thanh Hà về đông”. Từ đó về sau mấy lần xuất hiện nạn châu chấu, dẫn đến nạn
đói khiến người ăn thịt lẫn nhau. Năm 13 SCN, sao chổi xuất hiện vào tháng 11,
kéo dài hơn 20 ngày. Năm 14 SCN, vào tháng 4, sương rơi chết cây cỏ; tháng 6
năm đó có sương mù vàng đặc; tháng 7 năm đó gió lớn thổi bật gốc cây to, giật
tung ngói trên lầu của cửa khuyết phía bắc; mưa đá giết chết cả bò dê. Năm 15
SCN, mưa lớn, từ Hàm Đan lên bắc nước vọt tràn, sâu mấy trượng, cuốn chết mấy
nghìn người. Năm 16 SCN, động đất, mưa tuyết lớn, tuyết sâu có chỗ đến 1
trượng, cả các cây trúc, bách cũng khô héo; v.v.. Có lẽ không cần phải chép
thêm nữa.
Đại thể thiên tượng
thời nhà Tân là như thế, nên sau 16 năm Vương Mãng nắm quyền thì nhà Tân diệt
vong. Trong thời gian nắm quyền, Vương Mãng dẫu bề ngoài muốn cải cách quốc
gia, chấn hưng Nho học, nhưng thực sự bên trong chỉ là dã tâm đối với quyền lực
ngút trời, tất cả những chính sách đều chỉ là che dấu cho bản chất mà thôi. Đây
là Vương Mãng cố tình làm để mua chuộc nhân tâm, chứ không phải thực tâm làm. Chẳng
hạn khi bị các thế lực nổi lên hỏi tội thì ông ta bế cốt nhục nhà Hán, giả vờ
lên đàn cầu đảo than khóc, v.v.. Chuyện này trong Tư Trị Thông Giám cũng ghi rõ
cả. Hậu thế có người khen ngợi Vương Mãng có tư tưởng tiến bộ, trọng đạo, đây
chẳng qua là cách nhìn lịch sử phiến diện của người hiện đại mà thôi.
Thiên tượng nhà Tân
diệt vong cũng quả thật là quá minh hiển.
Một ví dụ khác về
thiên tượng khiến triều đại diệt vong là của nhà Minh. Vào cuối triều Minh,
quan lại tham ô hủ bại, mạng quan dân bị coi như cỏ rác, triều đình đưa ra rất
nhiều quốc sách sai lầm, kéo theo thảm họa thiên nhiên dồn dập. Đây cũng là
trời đất báo trước vận mệnh của nhà Đại Minh, từng bước đi đến tử lộ.
Trong kỳ trước, chúng
ta có bàn về đại dịch hạch “có mắt” khiến nhà Minh sụp đổ, kỳ này xin được nói
về một thảm họa không kém phần bi thương, đó là “Đại địa chấn Gia Tĩnh” vào năm
Gia Tĩnh thứ 34 (1556).
Tâm chấn của trận động
đất này nằm ở huyện Hoa, tỉnh Thiểm Tây, thuộc khu vực đồng bằng Quan Trung.
Theo ghi chép lịch sử, trận động đất mạnh cấp 8 đến 8,3 và cường độ là 11 độ
richter. Vì động đất xảy ra vào lúc nửa đêm (giờ Tý), hầu hết mọi người vẫn
đang ngủ say, nên rất ít người trốn thoát. Trận động đất này là trận động đất
kinh hoàng nhất trong lịch sử Trung Quốc và thậm chí trong lịch sử thế giới.
Liên quan đến trận
động đất này, trong cuốn “Minh Sử” ghi chép rằng: “Ngày Nhâm Dần, tháng 12 năm
(Gia Tĩnh) thứ 34 (tức ngày 23/1/1556), động đất tại Sơn Tây, Thiểm Tây và Hà
Nam xảy ra cùng lúc, nghe như tiếng sấm dậy. Vị Nam, Hoa Châu, Triêu Ấp, Tam
Nguyên, Bồ Châu còn nghiêm trọng hơn. Hoặc là đất nứt, khe suối vọt lên, bên
trong còn có cá; hoặc là thành quách, nhà cửa lún sâu vào trong lòng đất; hoặc
đất bằng đột nhiên trồi lên thành núi; hoặc một ngày động đất vài lần; hoặc
động đất liên tiếp vài ngày không dứt. Sông dâng nước, núi Hoa Nhạc, Chung Nam
kêu răng rắc, nước sông trong vắt suốt vài ngày. Quan lại, quân nhân bị đè chết
hơn 83 vạn người.”
Trận động đất này xuất
hiện trong rất nhiều ghi chép lịch sử. Chẳng hạn tiến sĩ Tần Khả Đại kể rằng:
“Lúc đó là ban đêm, cảm giác rung lắc mạnh khiến tôi hoảng loạn trong giấc mơ
của mình. Tôi liên tục trở mình, không thể chợp mắt. Tôi nghe thấy gần chiếc
sập như có người đẩy đổ, mái nhà kêu loảng xoảng, như thể hàng ngàn con ngựa
đang tung vó. Ban đầu tôi cứ ngỡ là kẻ trộm, xong lại nghĩ là ma chơi, thì đột
nhiên đầu đập vào tường, đột nhiên ngã xuống, tôi mới biết rằng đây là động
đất… Có một khoảng trống ở phía Nam của ngôi nhà, tôi chạy vội qua khe tường và
nhìn thấy mẹ, cùng anh trai, và cháu trai đã đến đó trước. Mọi người đều bình
an vô sự, thấy tôi bèn nói: Vừa gọi con xong, con có nghe thấy không? Vì lúc đó
nhà của vạn hộ đột nhiên đổ sập, ồn quá phải bịt tai lại, nên không nghe thấy
gì, thật đáng sợ làm sao!”
Theo ghi chép trong
cuốn “Thiểm Tây thông chí”, tháp Tiểu Nhạn ở thành phố Tây An, được xây dựng từ
thời nhà Đường, bị nứt trong trận động đất, thân tháp từ 15 tầng giảm xuống còn
13 tầng. Ngoài ra, núi “Ngũ Chỉ Sơn” ở huyện Vị Nam, Thiểm Tây “bị phá hủy sau
trận động đất”.
Do động đất xảy ra vào
giữa mùa đông giá lạnh, người dân gặp nạn bị chết cóng, chết đói. Năm sau, đại
ôn dịch lại hoành hành, người chết như ngả rạ. Cùng với động đất, các thảm họa
thứ cấp như núi lở, lở đất, nứt đất, sụt lún mặt đất, đất trồi lên, lũ lụt và
hỏa hoạn liên tiếp ập đến. Có người bình luận rằng: “Từ xa xưa thảm họa cũng
không gây thương vong thê thảm như lần này.”
Đã có hơn 830.000
người chết được ghi lại trong trận động đất này. Số người chết không rõ danh
tính và người chết không được báo lại nhiều vô số. Đại thể, số người chết ở
Đồng Quan, Bồ Phản chiếm khoảng 70% dân số địa phương, chiếm 60% dân số ở Thông
Châu và Hoa Châu, 50% ở Vị Nam, 40% ở Lâm Đồng và 30% ở các tỉnh thành Thiểm
Tây. Do địa điểm khác nhau, nên số người chết ở các khu vực khác cũng khác
nhau.
Minh Thế Tông là vị
vua đang tại vị trong trận động đất khủng khiếp này. Dù ông được coi là một vị
vua trung hưng, tiến hành cải cách, chăm lo quốc sự, chính sách quyết đoán, dẹp
trừ hoạn quan, củng cố biên cương, nhưng trước khi trận động đất xảy ra, kể từ
năm 1539 thì Minh Thế Tông bỏ bê triều chính, giao hết cho gian thần Nghiêm
Tung. Kế tiếp Minh Thế Tông là Minh Mục Tông, một vị vua qua đời vì dâm dục quá
độ. Sau đó là Minh Thần Tông xa hoa, hoang dâm, 20 năm không thèm yết triều. Kế
tiếp là Minh Quang Tông vừa lên ngôi 29 ngày thì mất. Minh Hy Tông kế nghiệp là
một vị vua không biết chữ. Cuối cùng, Minh Tư Tông hay Sùng Trinh Đế không
chống được quân nổi loạn, thắt cổ tự vẫn, kết thúc triều đại nhà Minh.
Nhìn từ góc độ lịch sử
này, Đại địa chấn Gia Tĩnh quả thực là báo trước sự sụp đổ của nhà Minh vậy.
VANDANBNN st tu thân/
gt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét